Theo sử sách ghi lại, ngày mùng 5 tháng 2 năm Tân Mão (1471), hơn 500 hải thuyền do ngài Lê Tấn Trung chỉ huy xuất phát từ Vũng Thùng (Đà Nẵng) đến cửa Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay), qua cửa Đại Áp (An Hòa ngày nay) vượt biển vào nam. Đạo quân do ông chỉ huy tiến đánh Trà Toàn suốt từ Cổ Lũy đến Thị Nại, giành được chiến thắng ngay từ đầu. Sau đó, đạo hải thuyền của ông hợp cùng chiến thuyền do đích thân vua Lê Thánh Tông dẫn đầu cùng với quân của một danh tướng khác là Nguyễn Đức Trung đánh chiếm thành Đồ Bàn, bắt sống Trà Toàn.
Sau chiến thắng, nhà vua rút quân về, đặt tên vùng đất mới này là đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Tướng Lê Tấn Trung được phong Bình Chiêm Triệu quốc công, được bố trí ở lại cùng với một số tướng lĩnh và binh sĩ để quản lý vùng đất vừa chiếm. Ông được giao trấn thủ huyện Lễ Dương (nay là phần đất phía nam tỉnh Quảng Nam, gồm các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ). Tại đây, ông chiêu mộ dân chúng, khẩn hoang lập ấp, mở mang vùng đất mới Quảng Nam vào buổi đầu mở cõi, sớm trở nên một vùng trù phú.
Các hậu duệ của vị tướng Lê Tấn Trung sau này tiếp tục làm rạng danh tiên tổ. Có thể kể đến ngài Lê Văn Thủ cùng con trai là đô đốc Lê Văn Long theo vua Quang Trung ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược năm 1789, về sau có các vị trung thần tham gia kháng chiến chống Pháp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã dâng hương lên từng phần mộ của các vị tướng Lê Tấn Trung, đô đốc Lê Văn Long và Thủ tài hầu Lê Văn Thủ nhằm bày tỏ lòng tri ân sâu sắc công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp và bảo vệ vùng đất này để trải qua 550 năm, Quảng Nam hôm nay đang vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Tác giả bài viết: BÍCH LIÊN – QUANG SƠN