I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÍ, LỊCH SỬ:
Trường Xuân là một trong những phường nằm ở vị trí trung tâm Huyện Tam Kỳ trước đây là một Huyện ở địa đầu phía Nam thuộc Tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng giáp giới Tỉnh Quảng Ngãi, ngày nay thuộc thành phố Tam Kỳ. Phía Bắc giáp với phường Hòa Thuận, phía Nam giáp với xã Tam Ngọc; Phía Đông giáp với phường An Sơn, An Xuân, An Mỹ; Phía Tây giáp với xã Tam Thái. Có diện tích tự nhiên 4,4km2.
Theo lịch sử để lại, tỉnh Quảng Nam xưa kia thuộc vùng đất Chiêm Thành. Đến giữa Thế kỉ XIV nước Chiêm Thành dần dần suy vong, đất Quảng Nam và một số vùng khác được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam Đạo, đạo thứ 13 của Đại Việt. Đầu năm 1602 diễn ra cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn, chúa Nguyễn Hoàng đưa dân vào đàng trong thực hiện chính sách “khai hoang lập làng” mở mang bờ cõi, đặt ra tỉnh Quảng Nam; tạo dựng thế lực tiến hành cuộc nội chiến chống Chúa Trịnh kéo dài hàng thế kỉ.
Vào thời gian đó, làng Trường Xuân được hình thành. Trải qua bao biến đổi lịch sử từ ngày thành lập đến nay vùng đất tên làng có những thay đổi và có những tên gọi khác nhau.
Ban đầu thời Hồng Đức thứ 26 – 1495 tên làng là Trường Xuân.
Trước và sau niên đại Quang Trung – 1789 – gọi là Phú Xuân Trung Xã.
Đến thời Tự Đức năm thứ 24 – 1871 đổi lại xã Trường Xuân và giữ mãi đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ.
Từ ngày cách mạng tháng Tám – 1945 thành công do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, vì yêu cầu của công cuộc xây dựng xã hội mới và trải qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Trường Xuân lại nhiều lần sáp nhập, chia tách.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) đã ba lần nhập tách:
Đầu năm 1947 sát nhập với xã Phú Xuân thành xã Phú Trường
Đầu năm 1949 xã Phú Xuân và một thôn của Trường Xuân (ấp Tây) được tách ra nhập về xã Tam Thái. Phần lớn còn lại của Trường Xuân sáp nhập cùng một số xã ở vùng đô thị Tam Kỳ lập thành xã Tam Chánh.
Đến năm 1950 có sự điều chỉnh lại địa giới, xã Tam Chánh được đổi tên là xã đặc biệt Tam Kỳ. Lúc này Trường Xuân bị cắt thêm 3 thôn: ấp Trung, ấp Nam và ấp Liên Hợp về với xã Tam Thái.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) đất nước ta tạm thời chi thành hai miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào còn dưới chế độ cai quản tạm thời của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Chúng phân lại ranh giới đổi tên xã Trường Xuân thành xã Kỳ Yên. Sau đó ít năm chúng hợp nhất các xã Trường Xuân, Đoan Trai, Mỹ Thạch lập thành xã Kỳ Hương.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất nước nhà (năm 1975), dưới chính quyền cách mạng Trường Xuân lại nhập với xã Ngọc Thọ, Phú Ninh thành xã Xuân Thọ, sau đổi tên thành xã Tam Ngọc.
Năm 1984, huyện Tam Kỳ chia thành hai đơn vị hành chính: Thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Trường Xuân tách khỏi xã Tam Ngọc và được đặt tên mới là Phường Trường Xuân thuộc thị xã Tam Kỳ cho tới ngày nay.
Qua biến động lịch sử địa lý Trường Xuân có đôi phần thay đổi nhưng cuối cùng mảnh đất Trường Xuân đã trở lại với cái tên thân thương từ thời kỳ khai sinh ra nó, tồn tại suốt năm thế kỷ qua. Và nhiều thế hệ con người từ nhiều nơi quy tụ về đến nay đẫ có 39 họ cùng đoàn kết chung sống xây dựng quê hương. Vì vậy ở địa thờ Hậu Tâm đình Trường Xuân đã ghi hai câu liễn:
“ Trường tồn tôn tử thịnh.
Xuân lai quân dân hưng”
( Tự Đức năm thứ 2 – Kỷ Dạu – 1849)
Tạm dịch:
Con cháu trường tồn thịnh vượng mãi
Quân dân cùng tiến bước lúc xuân về.
Và trên một bia đá chưa rõ ở thời kỳ nào đã tạc lên năm chữ:
“ Trường Xuân bất lão thiên”
Tạm dịch:
Xuân mãi với trời, xuân trẻ mãi.
II. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI TRƯỜNG XUÂN TRONG LỊCH SỬ
Dân số Trường Xuân hiện nay có gần 7015 người, với mật độ dân số tương đối cao, chỉ có dân tộc chính là người kinh. Con người Trường Xuân từ xưa vốn tuyệt đại đa số là nông dân nghèo từ miền Bắc di cư vào. Theo sử sách nghi chép và gia phả của một số tộc họ để lại thì thì cuộc di cư lớn nhất bắt đầu từ thời Hồ Hán Thương ( Nhà Hồ - 1403). Hộ gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có người bị chế độ phong kiến cưỡng ép di cư, có người chống lại chế dộ hà khắc của vua quan phong kiến nên bị lưu đầy, có người đưa đi làm lính trận bỏ ngũ trốn về, có người vì đời sống cơ cực phải tha phương cầu thực đi tìm đất mới làm ăn… Nhưng dù trong hoàn cảnh nào họ đều luôn luôn đoàn kết gắn bó đùm bọc lấy nhau, khi tối lửa tắt đèn cũng như khi loạn lạc, để bảo vệ lấy mình, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ quê hương đất nước.
Về xây dựng và phát triển kinh tế, vốn đã có ý thức cộng đồng cao và đức tính cần cù lao động, chịu đựng gian khổ, bền bỉ đấu tranh với thiên nhiên, với bất công xã hội, ngay từ ngày đầu nhân dân Trường Xuân đã khai phá những vùng đất hoang vu, rừng đồi hẻo lánh cải tạo thành đất canh tác để trồng khoai, lúa, sắn, đậu, phát triển chăn nuôi ngành nghề trồng cây ăn quả… Trường Xuân không có rừng núi, sông, biển, nghèo tài nguyên khoáng sản. Đất đai vốn không được phì nhiêu phần lớn là đất sét pha cát, đất gò đồi lại thiếu nước. Diện tích lúa nước có rất ít nên phải làm thêm lúa gieo, do đó sản phẩm thấp và bấp bênh. Lúa ruộng không nhiều nên phát triển hoa màu, cây ăn quả để bổ sung cho bữa ăn hoặc trao dổi mua thêm lúa gạo.
Nhưng Trường Xuân lại có một vị trí địa thế thuận lợi nằm trên trục giao lưu từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, cư dân đông đúc nên đời sống ngày càng có điều kiện phát triển nhất là vào giữa thế kỷ 18 trở đi khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập và nước ta bị thực dân Pháp xâm lược đặt ách đô hộ. Chúng lập bộ máy cai trị, xây dựng những trung tâm sản xuất công nghiệp, thương mại, phát triển giao thông, sân bay, bến cảng… để vơ vét tài nguyen bóc lột của nhân dân ta. Trường Xuân vừa nằm sát nách với phủ lỵ Tam Kỳ và các cơ quan đầu não của thực dân phong kiến, nên tình hình chính trị , xã hội, mọi hoạt động, mọi phong trào gì tốt hay xấu đều nhanh chóng ảnh hưởng trực tiếp. Vừa có các hệ thống giao thông thuận lợi cho việc đi lại làm ăn xuyên qua xã như: tuyến đường sắt Bắc Nam cùng với nhà ga lớn với các cơ sở sửa chữa đầu máy toa xe và các kho bãi đều nằm ở bộ phận Trường Xuân. Hồi Pháp thuộc ga Tam Kỳ được gọi là trung tâm xây dựng to đẹp vì hai đầu ra Hà Nội, vào Sài Gòn đều có chiều dài bằng nhau.
Có đường quốc lộ số 1 và đường Tỉnh lộ 110 nối liền Thị trấn Tam Kỳ với Thị trấn Tiên Phước, Trà My, mỏ vàng Bông Miêu và các tuyến đường nội địa giao tiếp với các xã lân cận. Thêm vào đó có sông Tam Kỳ ở phía Nam và sân bay Ngọc Thọ ở phía Tây cũng tạo điều kiện tốt cho quan hệ giao lưu và sinh hoạt của nhân dân.
Với điều kiện lợi đó, con người Trường Xuân biết tận dụng và phát huy mọi khả năng của mình để phát triển kinh tế. Ngoài việc sản xuất lúa, sắn, khoai còn biết xây dựng vùng chuyên canh như cây đậu phộng, cây thuốc lá thành sản phẩm chính. Cây thuốc lá có một thời nổi tiếng tại thị trường Miền Trung, cây đậu phộng một thời vươn lên thành sản phẩm công nghiệp và mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Đời sống nhân dân có phần khá so với nhân dân trong vùng có câu:
“Trường Xuân có lúa sắn lang
Có đậu, có thuốc mới khỏi mang nợ nần”
Ngành nghề thủ công vốn được lưu truyền từ lâu cũng càng ngày phát triển như nghề rèn, nghề mộc, thợ nề, ép dầu, chế biến, đan nát….Nhiều gia đình lấy đó làm nghề chính của mình, có tay nghè cao và truyền cho con cháu đời này qua đời khác.
Ngành thương nghiệp vụ trước đây rất nhỏ bé, chỉ có một số hộ dọc theo các đường tỉnh lộ làm các nghề buôn bán nhỏ như bán tạp hóa, may vá, làm bánh, quán ăn phục vụ cho bà con trong vùng và người qua đường. Ở Ấp Đông Trường Xuân nghề phục vụ này rất phát triển hơn nên có lúc gọi vùng này là Quán Rạp. Về sau khi có các sản phẩm như thuốc lá, đậu phụng thì việc trao đổi buôn bán mạnh hơn thành những mặt hàng quantrọng có thu nhập khá. Một số hộ có vốn liếng nhiều, có nhiều lao động thì đầu tư cho việc thu mua, tích trữ kinh doanh làm giàu.
Ngày nay có đường lối kinh tế xã hội mới của Đảng và Nhà nước ta, cơ sở vật chất xã hội dần dần được xây dựng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từng bước được áp dụng, nhân dân Trường Xuân đã biết phát huy, khai thác và sử dụng tiềm năng sức lao động của địa phương nên việc phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ giao lưu hàng hóa đa dạng và phong phú hơn, bộ mặt xã hội có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao một bước.
Trong từng thời điểm lịch sử chống kẻ thù xâm lược, nhân dân Trường Xuân đã đưa đông đảo con em mình ra đi cứu nước và sử sách còn lưu truyền lại những dại diện tiêu biểu cho các thế hệ anh hùng. Đó là các danh tướng Lê Văn Thủ, lê Văn Long trong nghĩa quân Tây Sơn đại phá quân Thanh (Trung Quốc) xâm lược năm 1879; các ông Lê Văn Ngữ, Lê Văn Chế chiến đấu và anh dũng hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp xâm lược để bảo vệ thành Đà Nẵng (1858); các ông Trần Văn Ny, Cao văn Chái chiến đấu hy sinh trong phong trào Việt Nam Quang Phục Hội (1916); và sau này trong 30 năm kháng chiến chống hai Đế quốc Pháp và Mỹ hàng nghìn người con thân yêu của Trường Xuân hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ Quốc tế, phục vụ tiền tuyến góp phần vào thắng lợi to lớn vào hai cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân ta.
Ngày nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, con người Trường Xuân không những tiếp tục phát huy bản chất cần cù sáng tạo trong lao động mà còn tiếp thu nền văn minh mới để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh do đảng đề ra.