Đề cương tuyên truyền 60 năm ngày thảm họa chất độc Dacam/Điôxinn
Hạnh Phạm
2021-08-06T08:59:46-04:00
2021-08-06T08:59:46-04:00
https://truongxuan.tamky.quangnam.gov.vn/vi/news/doi-tac/de-cuong-tuyen-truyen-60-nam-ngay-tham-hoa-chat-doc-dacam-dioxinn-44.html
/themes/blue/images/no_image.gif
Trang thông tin điện tử phường Trường Xuân
https://truongxuan.tamky.quangnam.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 06/08/2021 08:49
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 60 NĂM THẢM HỌA CHẤT ĐỘC DA CAM / ĐIÔXIN Ở VIỆT NAM (10/8/1991 – 10/8/2021)
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả các chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Từ năm 1961 – 1971 Quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rãi khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần ¼ tổng diện tích Miền Nam Việt Nam, trong đó có 86% diện tích bị phun rãi hơn 2 lần, 11 % diện tích bị phun rãi hơn 10 lần.
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm, đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn, một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển. Tại các sân bay Quân sự Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất hóa học, nồng dộ dioxin vẫn còn cao hay rất cao, đặc biệt là sân bay Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định) Biên Hòa. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo; chất độc da cam có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản; đặc biệt là có thể di truyền qua nhiều thế hệ, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, theo thống kê chưa đầy đủ hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, 2000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4, không chỉ có người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Newzeland đã từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hóa học, có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm, 100.000 lượt binh sĩ Hàn Quốc bị phơi nhiễm, trong đó có 20.000 người đã chết.
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã bị phản đối ngay từ đầu năm 1961. Hội đồng Khoa học thuộc Hiệp hội Vì sự tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ (AAAS) tuyên bố “Việc sử dụng hóa chất trong chiến tranh Việt Nam gây nên mối lo ngại trong giới khoa học Hoa Kỳ bởi tác hại của nó” Hội sinh lý học thực vật Hoa Kỳ gửi thư cho Tổng thống Johnson phản đối việc sử dụng chất da cam ở Việt Nam, rất nhiều bài báo và các Viện nghiên cứu lên tiếng phản đối, ngày 14/2/1967 5.000 Nhà Khoa học trong đó có 17 người đạt giải Nôben, 129 Viện sĩ hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ ký tên kiến nghị gởi đến Tổng thống Johnson đòi chấm dứt chiến tranh hóa học. Tháng 11/1969 Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2603A lên án Mỹ sử dụng chất da cam ở Việt Nam. Trước áp lực của dư luận trong nước và quốc tế ngày 30/6/1971 Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam, nhưng trên thực tế Quân đội Sài Gòn vẫn sử dụng đến 30/4/1975.
46 năm - chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn tồn tại dường như là mãi mãi dưới cái tên “Nỗi đau chất độc da cam”, chỉ có đất nước nào trải qua chiến tranh mới hiểu sự mất mát và cũng chỉ có gia đình nào không may có con, em bị ảnh hưởng của chất độc da cam mới thấm thía được nỗi khổ và sự thiệt thòi. Thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng giờ, từng ngày quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam dioxin. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le, khốn cùng, đau đớn day dứt về tinh thần, bệnh tật giày vò, hàng ngày hàng giờ vật vã với những cơn đau, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa. Nhiều gia đinh có đến bảy, tám nạn nhân. Nhiều gia đình cả ba thế hệ đều là nạn nhân. Có những gia đình chồng mất, để lại cho người vợ những đứa con tật nguyền, ngơ ngẩn, nằm một chỗ...
Nhận thức được tác hại của chất độc da cam/dioxin và nỗi đau của người bị nhiễm chất độc, từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được chọn làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe của con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, Đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Kể từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần thông qua pháp lệnh, Chính Phủ ban hành 11 Nghị định, Thủ tướng Chính Phủ ban hành 12 Quyết định; các Bộ ban ngành ban hành hơn 30 hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách liên quan đối với nạn nhân chất độc da cam bao gồm:
- Chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
- Các chế độ chính sách đối với người dân, các đối tượng khác bị nhiễm chất độc hóa học.
- Các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường (hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường tại 3 sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát).
- Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.
- Hàng năm Nhà nước đã dành khoảng ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Hiện có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng trợ cấp xã hội, cả nước có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị, 24 Trung tâm thuộc các tỉnh nuôi dưỡng trẻ khuyết tật theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoạt tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đối với các gia đình và nhạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, dành những khoản chi phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe cho những nạn nhân chất độc da cam. Sự quan tâm đó đã mang lại lòng tin và nghị lực cho nhiều người vươn lên từ nỗi đau da cam trong cuộc sống.
Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để toàn Đảng bộ và quân- dân nhận thức đúng nỗi đau của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Từ đó, có hành động tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất trong việc tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần, giúp xoa dịu nỗi đau bệnh tật, hòa nhập tốt với đời sống. Đây cũng là sự thể hiện tình người đẹp nhất trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Tác giả bài viết: Hạnh Phạm
Nguồn tin: Nhiều nguồn