Vườn lan của ông Hai Cương

Thứ tư - 20/05/2020 01:26
(QNO) - Khởi đầu chỉ vài nhánh lan rừng, sau hơn 30 năm tỉ mỉ cắt ghép và chăm sóc, đến nay ông Hai Cương đã sở hữu một vườn lan rộng lớn, vừa mang lại nguồn thu ổn định vừa tạo thú vui tuổi xế chiều.
Unnamed
Unnamed

Xấp xỉ tuổi 60, cuộc đời ông Hai Cương (tên thật Lê Thanh Cương, khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm. Trước khi trở thành nhân viên bảo vệ tại một cơ quan nhà nước và sở hữu vườn lan rộng hơn 800mnhư hiện nay, ông Hai Cương đã thử sức mình với hàng chục công việc khác nhau và nghề nào cũng khó khăn, nặng nhọc. Nhưng dù làm gì, công việc vất vả thế nào, ông cũng dành thời gian gắn bó với những giò lan, nâng niu và chăm sóc như những đứa con tinh thần vô giá.

Ông Cương biết và đến với hoa lan từ khoảng năm 1986. Khoảng thời gian ấy, khi miếng ăn cái mặc còn là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người thì ông lại tìm cho mình được thú vui riêng: chơi hoa lan rừng. “Lúc đó, điều kiện vật chất thiếu thốn lắm, chủ yếu tôi tự vào rừng tìm giống hoa mang về rồi mày mò chăm sóc theo sở thích. Có ai hỏi thì bán, không thì để dành. Đi làm về, mệt mỏi, nhìn chúng cũng đủ vui” - ông Cương chia sẻ.

Thỉnh thoảng, một chậu lan được bán với giá vài ba chục nghìn cũng đủ cho ông bù chi phí, tiếp thêm động lực thu thập hoa về vườn nhà mình. Niềm vui cứ thế đắp đổi qua ngày, vườn lan nhỏ lớn dần theo thời gian nhưng cũng chỉ gói gọn trong niềm đam mê và mối mua bán quanh nhà. Cho đến năm 2015, tình cờ biết được mô hình trồng thử nghiệm 1.000 cây lan mokara của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, nhận thấy tìm năng phát triển và giá trị kinh tế cao, ông Cương đề xuất tham gia.

Được hỗ trợ kinh phí và phương tiện kỹ thuật cộng với kinh nghiệm trồng lan, ông Cương nhanh chóng thành công với mô hình lan mokara. Sau 2 năm kết thúc dự án hỗ trợ, ngoài việc thu lãi gần 100 triệu đồng, ông Cương còn tận dụng cơ hội, kết nối đầu ra, nhân rộng hàng nghìn sản phẩm thuộc hàng trăm loại lan khác nhau và bắt đầu mở rộng kinh doanh.

Đến nay, khuôn viên rộng hơn 800m2 được ông lấp đầy những cattleya, giả hạt, đinh rô, nghinh xuân, trầm, kèn, kiều, sơn thủy tiên… Tùy thời điểm, thể trạng và tuổi thọ của mỗi loại mà hoa vườn Hai Cương được bán với giá khác nhau, dao động 10 nghìn đồng đến hơn 10 triệu đồng/cây.

Để có vườn hoa khoe sắc như hiện tại, ông Cương đã mất không ít tâm sức, thời gian tìm hiểu qua các tài liệu, bao phen lận đận vào tận các vườn lan ở miền Nam để “tầm sư học đạo”. Đồng thời mày mò, gắn bó không quản nắng mưa bên từng gốc cây, theo dõi không bỏ sót bất kỳ một giai đoạn sinh trưởng nào.

Ông Cương cho biết, tuy được nhiều người ưa chuộng, giá trị kinh tế cao nhưng thu nhập từ lan cũng không chừng. Vì nguồn vốn ít, thiếu thiết bị kỹ thuật hiện đại nên ông nuôi trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Hơn thế, để nuôi cấy một cây lan từ lúc còn là hạt giống đến khi trổ hoa và bán được thường phải mất thời gian khá lâu từ 2 - 3 năm, chủ yếu lấy công làm lời.

“Lan chịu nắng giỏi nhưng chịu mưa kém. Năm nào mưa thuận gió hòa, năm ấy lan nở rộ, bán rất chạy. Ngày thường, trung bình một tháng tôi bán được khoảng 100 cây lớn nhỏ. Những ngày giáp tết, lượng khách hàng tăng cao, tôi phải nhập thêm về bán. Trừ chi phí, lan mang lại khoản thu nhập phụ giúp gia đình (có tháng được 20 triệu đồng) và nuôi dưỡng niềm đam mê tuổi già…” - ông Cương cho biết.

Tác giả bài viết: KIỀU LY

Nguồn tin: Báo quảng nam

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bản đồ hành chính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
.