I. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công
Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 07/8/1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Võ Dương, một nhà nho yêu nước, một đảng viên Cộng sản được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thân, một người nông dân thuần phác, đôn hậu, ủng hộ cách mạng nhiệt thành.
Người thanh niên Võ Chí Công sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930; tháng 5/1935, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1936, Đồng chí làm Bí thư Chi bộ ghép (một số xã thuộc huyện Tam Kỳ); tháng 1/1940, làm Bí thư Phủ uỷ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; tháng 3/1940, làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, Đồng chí được cử vào Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên; năm 1942, được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Năm 1943, Đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù, giam ở nhà lao Hội An, sau bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Tháng 3/1945, Đồng chí được ra tù, trở về Quảng Nam, tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, Đồng chí là ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời, làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chính trị viên Trung đoàn 93; năm 1946, làm Phó ban Tổ chức cán bộ và làm Thanh tra Quân khu V; năm 1950, làm Bí thư Ban cán sự Đông - Bắc Miên, Khu uỷ viên Khu V; năm 1952, làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Năm 1954, Đồng chí được phân công làm Đoàn uỷ viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc; giữa tháng 9/1954, được cử làm Phó Bí thư Liên Khu ủy Khu V; năm 1958, làm Bí thư Liên Khu ủy Khu V. Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1961, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 3/1962, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; năm 1964, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Khu uỷ Khu V, Chính uỷ Quân khu V.
Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, Đồng chí được phân công làm Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách Khu V; năm 1976, được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VI, được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản.
Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; năm 1978, làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; tháng 4/1981, được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VII và được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư phân công làm Thường trực Ban Bí thư; tháng 6/1986, được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử tham gia Đảng uỷ Quân sự Trung ương; tháng 4/1987, được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.
Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (tháng 6/1991) và khoá VIII (tháng 6/1996) đến Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII; đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.
Đồng chí Võ Chí Công từ trần ngày 08/9/2011, hưởng thọ 100 tuổi.
Với những công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
II. Những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta
1. Cống hiến của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, là người nung nấu ý chí cứu nước, cứu dân, người thanh niên Võ Chí Công tích cực cùng cha tham gia hoạt động đấu tranh yêu nước. Được sự dìu dắt, giúp đỡ của cha và sự giác ngộ của những người cộng sản khác, Võ Chí Công đã tích cực tham gia tổ chức cách mạng bí mật tại quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam đầu những năm 1930 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1935 tại Chi bộ ghép Mỹ Sơn. Từ người yêu nước trở thành người cộng sản, Đồng chí đã lăn lộn bám dân, bám địa bàn, gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh miền Trung.
Từ năm 1936 - 1939, trên cương vị Bí thư chi bộ ghép một số xã, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Tam Kỳ, Đồng chí đã lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương; kiên trì, bền bỉ giác ngộ những người yêu nước để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, tăng cường đội ngũ cán bộ cho Đảng, đồng thời nỗ lực vận động Nhân dân giữ vững niềm tin nhằm duy trì, mở rộng phong trào cách mạng ở địa phương.
Tháng 9/1939, Phủ ủy Tam Kỳ triệu tập cuộc họp mở rộng tại Trảng Cát Bà Mu, đồng chí Võ Chí Công được bầu bổ sung làm Phủ Ủy viên Tam Kỳ. Trên cương vị, trọng trách mới, Đồng chí đã thay đổi phương thức hoạt động bí mật, vượt qua sự săn đuổi, truy sát của kẻ thù và những khó khăn, vất vả, vừa khôi phục hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng tại Quảng Nam, vừa tìm cách chắp nối liên lạc với cấp trên. Và cũng trong quá trình đó, Đồng chí cũng từng bước trưởng thành và được phân công đảm trách Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ vào tháng 1/1940 rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam vào tháng 3/1940.
Những năm 1941 - 1942, trên cương vị Ủy viên xứ ủy Trung Kỳ phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Đồng chí bí mật lặn lội đi khắp miền Trung, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch, vừa gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, tái lập hệ thống tổ chức của Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận Việt Minh ở Quảng Nam và Trung Bộ. Năm 1943, Đồng chí bị địch bắt và đã kiên cường vượt qua những tháng năm bị cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An, bị đày ải, giam cầm trong nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tháng 3/1945, từ nhà đày Buôn Ma Thuột trở về, đồng chí Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng ban Khởi nghĩa, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An. Bằng nhiều biện pháp, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong Tỉnh một cách nhanh chóng. Ngày 17/8/1945, ta hoàn toàn làm chủ Tỉnh lỵ; sau đó các huyện trong tỉnh Quảng Nam lần lượt giành chính quyền. Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo Nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Năm 1950, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đông Bắc Miên, Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, Đồng chí đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh Đặc biệt.
Năm 1964, Đồng chí được Bộ Chính trị điều động về Khu V - một chiến trường cực kỳ gian khổ, ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến tranh Cục bộ, trong đó thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam. Khu ủy Khu V dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy Khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu, nhanh chóng rút về căn cứ, bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại so với những nơi khác.
Hiệp định Pari được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Là người trực tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ kinh nghiệm thực tiễn, Đồng chí và lãnh đạo Khu ủy Khu V xác định: sẽ không có hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại Hiệp định. Đồng chí coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, xây dựng thực lực về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Tháng 3/1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Ban Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, Đồng chí đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, chớp thời cơ tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Gần 30 năm lãnh đạo quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và Khu V chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ này của Đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung Bộ.
2. Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, có nhiều công lao, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ, gian khổ nhưng đầy vẻ vang của dân tộc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách.
Từ năm 1976 - đầu năm 1977, Đồng chí được giao nhiệm vụ trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành hải sản hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, Đồng chí đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ; đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, xóa bỏ bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành hải sản đã từng bước vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Năm 1978, đồng chí Võ Chí Công được phân công phụ trách khối nông, lâm, hải sản và kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Khi phụ trách ngành nông nghiệp - lĩnh vực công việc mới mẻ, phức tạp và rất nặng nề, Đồng chí ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã. Đồng chí đã đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên hỏi thăm công việc sản xuất và nhận rõ nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho xã viên, như các hợp tác xã ở Vĩnh Phú, Hải Phòng. Từ thực tế đó, Đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được Nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở Chỉ thị 100-CT/TW, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Không dừng lại ở việc đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần phát triển tư duy về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước. Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu, góp phần xây dựng, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306-NQ/TW (tháng 4/1986) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở (bao gồm các cơ sở kinh tế quốc doanh, kinh tế tiểu thủ công nghiệp; kinh tế gia đình và thành phần kinh tế cá thể, tư nhân trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất và kinh tế cá thể trong nông nghiệp).
Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước, trong thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Những năm tháng là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương đối với những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
3. Đồng chí Võ Chí Công - Tấm gương người chiến sỹ cách mạng kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng, với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và Nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản kiên cường, mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được đào luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đồng chí Võ Chí Công một lòng trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo Tổ quốc. Đồng chí Võ Chí Công “luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường; bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, đường lối chiến tranh nhân dân, cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V trực tiếp chỉ đạo việc đoàn kết, tập hợp, động viên mọi lực lượng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Khi Tổ quốc hòa bình, đất nước thống nhất, Đồng chí lại có mặt ở lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của đông đảo Nhân dân nước ta và thực hiện thành công chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Trong công tác, Đồng chí Võ Chí Công luôn thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược. Đồng chí vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, sâu sát thực tiễn, có nguyên tắc nhưng không máy móc mà hết sức linh hoạt; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. “Đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong sinh hoạt, Đồng chí luôn thể hiện tác phong sinh hoạt bình dị, gần gũi mọi người, chân thành, thẳng thắn, thân ái, chu đáo, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội và Nhân dân, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đồng chí là người lãnh đạo được Nhân dân tôn trọng, quý mến. Đồng chí Võ Chí Công là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, với các phẩm chất tiêu biểu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của đồng chí Võ Chí Công được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước, Đồng chí đã để lại cho chúng ta hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, một nhà hoạt động thực tiễn phong phú, một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường, suốt đời trung thành, tận tụy, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước. Hình ảnh của Đồng chí sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước.
III. Học tập tấm gương suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của Nhân dân của đồng chí Võ Chí Công, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập và noi theo đồng chí Võ Chí Công, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Quảng Nam với những phẩm chất cao quý: Đó là, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó là, tấm gương sáng về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, sống có tình nghĩa, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào, luôn phấn đấu hết mình vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân. Đó là, một nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn suy nghĩ và hành động sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả của hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý; gắn bó mật thiết với Nhân dân, trân trọng ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, Nhân dân và các địa phương.
Thành kính tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.