Di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Sông tại phường Trường Xuân

Thứ hai - 31/10/2022 23:30
Di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Sông tại phường Trường Xuân được vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 4009/QĐ-UBND ngày 31/12/2020
Một góc khuân viên tại di tích Chi bộ Sông
Một góc khuân viên tại di tích Chi bộ Sông
I. TÊN GỌI DI TÍCH: Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Sông
II. ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH
1. Địa điểm di tích
Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Sông tại khối phố Xuân Bắc (KP2 cũ) thuộc phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
2. Đường đi đến di tích
Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, theo đường Hùng Vương về hướng Nam khoảng 1,5km đến ngã tư Hùng Vương – Trần Cao Vân. Từ ngã tư Hùng Vương - Trần Cao Vân rẽ phải lên hướng Trường Xuân, qua khỏi đường sắt 200m, rẽ phải vào đường bê tông khoảng 80m là Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Sông.

Cây Cốc trước khi xây dụng tiểu hoa viên tại Di tích lịch sử Chi bộ Sông

Cây Cốc sau khi xây dựng tiểu hoa viên tại Di tích lịch sử Chi bộ Sông
III. KẾT CẤU ĐÀI BIA:
Phần đài bia, gồm 3 phần:
- Phần đặt chân đế đài bia: Là một mặt bằng có hình chữ nhật với 2 cạnh là 5.31m x 11.25m, toàn bộ mặt đế được nâng cao so với mặt đất hiện tại là 01m. Để thuận tiện từ mặt đất lên đài bia có 03 lối lên gồm 07 bậc cấp, các dộ cao các bậc cấp khác thấp tiện cho các em nhỏ và người lớn tuổi dễ đặt bước chân (15cm). Riêng bậc cấp ở mặt chính được mở rộng ở phần chân và lượn cong, thu nhỏ ở phần trên tạo nên sự trang trọng và mỹ thuật cho hướng chính của bia, trụ lang can hai bên thành bậc cấp những như các cột bao quanh phần sân đế đài bia đều có kiểu dáng cách điệu như phần thân đài chính.
- Phần bệ đài bia: Phần này gồm 4 gờ trang trí liền nhau theo thứ tự:
+ Gờ bên dưới cao 15cm cạnh hình vuông mở rộng 2.07 x 2.13m. Đây chính là hình thức của một bồn cỏ hoặc bồn hoa làm nền để tăng sự trang trọng cho đài chính, gờ này được kết cấu bằng bê tông cốt thép tô phủ đá mài bên ngoài, chừa khoảng trống để tạo lối vào bệ đài.
+ Gờ thứ 2 cũng cao 15cm nhưng cạnh nhỏ hơn 1.96 x 2.02m, gờ này cũng tô đá mài hoặc áp đá màu sẩm như là bệ đỡ cho gờ lớn bên trên.
 + Gờ trên hình thức một cuốn sách đang mở với 4 mặt giống nhau, riêng hướng mặt chính của đài bia thì phần mặt trang sách được khắc chữ lõm hoặc đính chữ nổi mang nội dụng của văn bia. 4 mặt của cuốn sách được liên kết với trụ đài bằng bê tông cốt thép, các chân cuốn sách bố trí chìa ra, liên kết các mặt trang sách tô đá mài nâu sẫm hoặc lục sẫm.
+ Gờ trên chỉ dày 13cm, mặt có hình tròn như hình thức trống đồng , có mặt trên tô các gờ chỉ thể hiện hình hoa văn ngôi sao phần mặt trống được đổ bê tông có lõi thép liên kết với 3 lá của kết cấu đài chính.
- Cột đài chính: được biểu hiện hình 3 lá cờ, cũng có thể xem như ba chồi lá mầm. mạnh mẽ vươn lên từ mảnh đất truyền thống dân tộc và cũng phù hợp với ý nghĩa 3 đồng chí đầu tiên tổ chức Chi bộ Sông.
 Ba biểu tượng này được thể hiện bằng các lá bê tông hơi cong ôm khắng khít nhau, tạo thế 3 chân vững chãi cắm từ tâm mặt trống đồng vươn lên với chiều cao khác nhau, hầu tạo vẽ thẩm mỹ cho mắt nhìn vào lá cao nhất (cao 4.5m từ vị trí đứng ở sân trong của nền đài) được gắn biểu tượng búa liềm.
 Toàn bộ 3 lá biểu tượng này có thể tô đá mài màu hồng. Đài bia được xây dựng trong Tiểu hoa viên nên tạo được cảnh quan sạch đẹp.
IV. VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CHI BỘ SÔNG:
Chi bộ Sông ra đời và trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương trong thời kỳ cả nước thực hiện chuyển hướng hoạt động theo chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng và trong bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp. Trên các địa bàn lãnh đạo của Chi bộ Sông từ thị trấn Tam Kỳ, Trường Xuân và các xã vùng tây bắc của phủ Tam Kỳ, các phong trào đấu tranh chống đế quốc và tay sai của nhân dân diễn ra khá đều khắp, phong phú và đa dạng. Các đảng viên của Chi bộ Sông đều thể hiện bản lĩnh kiên cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Để bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với các thế hệ cha anh đã tham gia chiến đấu, hy sinh trong cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, Di tích tích sử “Địa điểm thành lập Chi bộ Sông”, trình UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 4009/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.
Tháng 5 năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tam Kỳ được thành lập tại chùa Ông (Phước Hòa). Tuy nhiên, cũng giống như tình hình chung của cả nước, trước sự khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng 1930 - 1931, chi bộ Đảng ở Tam Kỳ bị vỡ, hầu hết đảng viên của chi bộ đều sa vào tay giặc, nhiều quần chúng cảm tình với Đảng bị bắt, bị tù đày hoặc bị giết, phong trào cách mạng rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, mãi đến ngày 15/8/1933, Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ mới được thành lập. 
Trên địa bàn Tam Kỳ, ngoài những chi bộ Đảng ở phía nam của Phủ vẫn âm thầm hoạt động, bất chấp sự đánh phá của kẻ thù trong năm 1935. Đặc biệt, đến thời điểm này, ta cũng đã thành lập được tổ chức chi bộ Đảng. Về tổ chức quần chúng ở cơ sở, tại Trường Xuân, Xuân Trung (nay thuộc xã Tam Thái, huyện Phú Ninh), ta thành lập tổ chức Cứu tế đỏ và các nhóm đọc sách báo, các tủ sách gia đình làm đại lý cho hiệu sách “Việt Quảng” của Tỉnh ủy ở Đà Nẵng. Đặc biệt, nhà ông xã Bổ còn là nơi gặp gỡ công khai của các hào lý, hương sự có cảm tình với cách mạng và các trí thức tiến bộ của tổng Chiên Đàn để bàn việc chống xâu, chống thuế, ủng hộ cách mạng.
Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương ra sức đàn áp khủng bố cách mạng. Đảng bộ Tam Kỳ một lần nữa bị tổn thất nặng; ngay cả một số cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của các chi bộ Đảng cánh bắc Tam Kỳ như Chi bộ Mỹ Sơn, Chi bộ ghép Ngọc Thọ - Phú Ninh, Chi bộ Hòa Thanh - Quảng Phú đều lần lượt rơi vào tay địch.
Thực hiện chủ trương của Đảng, các đảng viên còn lại của Phủ ủy Tam Kỳ như Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, Đào Thuần Thăng…, đã tích cực liên lạc, nắm bắt các cơ sở còn lại, bàn kế hoạch ổn định tư tưởng, củng cố các tổ chức phản đế như Cứu tế đỏ, Đoàn Thanh niên, phụ nữ, nông dân...Theo đó, tổ chức Cứu tế đỏ trên địa bàn Trường Xuân - Xuân Trung được củng cố, phát triển thêm hội viên, tiếp tục sinh hoạt trong điều kiện bí mật, tham gia rải truyền đơn chống chiến tranh đế quốc.
Tháng 5 năm 1940, đồng chí Lê Thuyết thành lập chi bộ ghép Ngọc Mỹ - Quý Thượng, phân công đồng chí Đỗ Hoành làm bí thư. Tháng 7 năm 1940, để phù hợp với tình hình mới, thực hiện sự chỉ đạo của Phủ ủy Tam Kỳ, trên cơ sở của Chi bộ ghép Ngọc Mỹ - Quý Thượng, Liên chi bộ phía Bắc Tam Kỳ (tên thường gọi là Liên chi bộ Bắc) chính thức được thành lập, gồm 11 đảng viên ở các xã Ngọc Mỹ, Quý Thượng, Quảng Phú, Trường Xuân, Xuân Trung, Hòa Thanh do đồng chí Lê Huy Lưu - Phủ ủy viên làm Bí thư. Các tổ chức quần chúng (thanh niên, phụ nữ, nông hội phản đế) tiếp tục được kiện toàn, phát triển ở nhiều nơi. Trong đó, Trường Xuân, Xuân Trung là những địa phương phát triển mạnh nhất.
Tháng 10 năm 1940, được Liên chi bộ phía Bắc Tam Kỳ và Phủ ủy đồng ý, các đảng viên của Trường Xuân, Xuân Trung, Phú Ninh đã họp tại đình làng Trường Xuân, trước sự chứng kiến của đồng chí Võ Chí Công– Bí thư Phủ ủy và đồng chí Lê Huy Lưu – Bí thư Liên chi bộ phía Bắc Tam Kỳ đã tuyên bố thành lập Chi bộ ghép Trường Xuân – Phú Ninh gồm 4 đảng viên (Nguyễn Dậu, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Tấn Luân, Nguyễn Luận), do đồng chí Nguyễn Dậu làm Bí thư. Chi bộ ghép Trường Xuân – Phú Ninh ra đời, là bước phát triển mới của tổ chức Đảng trên mảnh đất Trường Xuân – Xuân Trung, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của phong trào cách mạng trên địa bàn, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc. 
Sau khi thành lập, Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh tập trung lãnh đạo công tác tư tưởng, mở rộng địa bàn hoạt động, tiếp xúc những người tiến bộ, vận động, tuyên truyền tập hợp quần chúng đứng về phía cách mạng, phát triển đảng viên, tạo nên lực lượng đông đảo hướng về cách mạng, chống lại bọn tay sai gian ác.
Tính đến tháng 02/1942, Chi bộ Sông có 14 đảng viên, trong đó có một số đồng chí mới được kết nạp vào Đảng như Trương Liên, Nguyễn Ngựa (Xuân Trung); Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Toản, Trần Hoàng (Trường Xuân); Đỗ Thế Chấp, Đỗ Hưng (Trường An)…; trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ngay trong dinh lũy của kẻ thù ở Tam Kỳ, nơi có các cơ quan đầu não của chính quyền Nam triều và thực dân Pháp (Phủ lỵ Tam Kỳ, tòa Đại Lý) và trên một địa bàn rất rộng lớn, bao gồm thị trấn Tam Kỳ và các xã vùng tây bắc của phủ như: Xuân Trung, Khánh Thọ, Long Sơn, Phước Lợi, Ngọc Thọ, Trường An, Đại Hanh.
Chi bộ Sông tổ chức thành công 3 cuộc mitting do Phủ ủy giao Chi bộ thực hiện ở Gò Trời, rừng Đình, núi Quánh. Trong đó, lớn nhất là cuộc mitting tại núi Quánh (Phú Ninh) gần đèo Tư Yên vào ngày mồng 4 tết Nhâm Ngọ (18/2/1942), thu hút trên 300 người tham dự, để nghe trực tiếp các đồng chí đại diện Phủ uỷ giải thích về Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh…Ngay sau cuộc mítting tại núi Quánh, Chi bộ Sông còn tổ chức một cuộc mitting với quy mô nhỏ tại rừng Làng (Trường Xuân), do đồng chí Nguyễn Dậu trực tiếp tổ chức.
Chi bộ Sông với vai trò và sứ mệnh của “Chi bộ Đặc biệt” đã vững vàng lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Phủ ủy Tam Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam tin tưởng giao phó.Các đảng viên của Chi bộ Sông đều thể hiện bản lĩnh kiên cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Sông gắn liền với những sự kiện, nhân vật lịch sử không chỉ của địa phương Trường Xuân mà còn gắn liền với những nhân vật lịch sử của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và cả nước.  
Việc công nhận di tích lịch sử và khôi phục lại nguyên trạng di tích, không chỉ thể hiện sự tri ân và báo ân đối với các thế hệ đi trước, mà còn là một “địa chỉ đỏ” có giá trị lịch sử trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
V. CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ TIÊU BIỂU GẮN LIỀN VỚI CHI BỘ SÔNG
Điểm qua quá trình hình thành và phát triển của Chi bộ Sông, chúng ta dễ dàng nhận thấy không ít các nhân vật lịch sử từng gắn bó mật thiết với Chi bộ Sông, mà tầm vóc ảnh hưởng của họ không chỉ với lịch sử của Tam Kỳ, của Quảng Nam, mà còn có tầm ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc trên các chặng đường quan trọng của lịch sử, tiêu biểu như: 
1.  Đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công, 1912 - 2011)
Quê quán: Xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 10 năm 1940, với tư cách là Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, đồng chí Võ Toàn đã trực tiếp chứng kiến sự thành lập Chi bộ ghép Trường Xuân – Phú Ninh (bí danh là Chi bộ Sông từ tháng 9/1941) tại đình làng Trường Xuân.
2. Đồng chí Trương Chí Cương (1919 - 1975)
Quê quán: Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên Tỉnh ủy viên Quảng Nam (bổ sung, 11/1941), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (5/1945), Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận (cuối năm 1946), Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (đầu năm 1950), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (7/1954), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cuối năm 1959), Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy 5 (5/1961), Phó Trưởng ban miền Nam của Trung ương Đảng (1973)[1].
Tháng 9 năm 1941, với tư cách Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, tại Trường Xuân, đồng chí Trương Chí Cương đã triệu tập Chi bộ ghép Trường Xuân – Phú Ninh họp tại nhà bà Nguyễn Thị Bếp (Trường Xuân Đông), quyết định giao nhiệm vụ cho chi bộ phụ trách thị trấn Tam Kỳ và các xã vùng tây bắc của phủ, lấy bí danh là Chi bộ Sông (còn gọi là Chi bộ Đặc biệt).
3. Đồng chí Đào Đắc Trinh (1919 - 1992)
Quê quán: Xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ (từ tháng 02/1950), Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (từ tháng 3/1963), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Nam; Trưởng ban Tài chính khu Trung Trung Bộ[2].
Đồng chí Đào Đắc Trinh được Chi bộ Sông tổ chức kết nạp Đảng vào tháng 01 năm 1941, trở thành đảng viên chính thức của chi bộ vào tháng 4 năm 1941.
4. Đồng chí Đỗ Thế Chấp (1922 - 1992)
Quê quán: Xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ (từ cuối năm 1960), Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (từ tháng 01/1969), kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (từ tháng 5/1975); Trưởng đoàn chuyên gia tại tỉnh Battambong (Campuchia, 1982); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[3].
Đồng chí Đỗ Thế Chấp được Chi bộ Sông tổ chức kết nạp Đảng vào tháng 01 năm 1941, trở thành đảng viên chính thức của chi bộ vào tháng 4 năm 1941.
4.5. Đồng chí Trần Minh (Trần Minh Mẫn, 1926 - 2008)
Quê quán: Phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ (từ tháng 8/1947), Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam (từ tháng 7/1959); Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam (từ tháng 12/1962); Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam (từ tháng 10/1967); thành viên Ban Tuyên huấn Trung ương (từ tháng 8/1971)[4].
Đồng chí Trần Minh (Trần Minh Mẫn) trong thời kỳ vận động cách mạng thực hiện Nghị quyết Trung ương VIII của Đảng (5/1941), tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, mặc dù chỉ là một quần chúng cảm tình của Đảng, nhưng đã được Liên chi bộ Sông tin tưởng giao làm Trưởng ban vận động cứu quốc xã Trường Xuân (nay là phường Trường Xuân). Đồng chí đã có công lao to lớn trong việc tập hợp thân hào, lý hương, địa chủ, phú nông có tinh thần yêu nước, tiến bộ tham gia vào Mặt trận Việt Minh xã, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nhân tố quan trọng đảm bảo sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Trường Xuân nói riêng, Tam Kỳ nói chung. Đồng chí được kết nạp Đảng ngày 09/9/1945, trở thành đảng viên chính thức ngày 05/5/1946.  
 
 
 
 
 

Nguồn tin: Lịch sử chi bộ Sông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bản đồ hành chính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
.