Khu lăng mộ hai vị tướng Lê Tấn Trung, Lê Văn Long: di tích lịch sử cấp tỉnh

Thứ ba - 01/11/2022 08:39
Khu lăng mộ của hai vị tướng Lê Tấn Trung, Lê Văn Long được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2005 và được tôn tạo thường xuyên, là điểm đến giáo dục về lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ.
Khu lăng mộ 2 vị tướng Lê Tấn Trung, Lê Văn Long
Khu lăng mộ 2 vị tướng Lê Tấn Trung, Lê Văn Long
Tam Kỳ là một trong những địa phương có số lượng tương đối lớn và đa dạng về di tích văn hóa, di tích lịch sử, trong đó phường Trường Xuân vinh dự được đón nhận 2 di tích lịch sử cấp tỉnh là: Di tích lịch sử địa điểm thành lập chi bộ Sông và Khu lăng mộ 2 vị tướng Lê Tấn Trung, Lê Văn Long. Đây là lợi thế để địa phương phát huy, khai thác trong giáo dục truyền thống, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng văn hóa, du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Bình Chiêm Triệu Quốc Công Lê Tấn Trung và Đô đốc Lê Văn Long là những vị tướng tài của dân tộc, đã đóng góp nhiều chiến công oanh liệt trong sự nghiệp mở cõi, xây dựng nước Đại Việt xưa.
https://phuongtruongxuan.gov.vn/uploads/news/2022_03/276313083_3028845080759476_8759279022014341328_n_1.jpg
Kết nạp đoàn viên tại Khu di tích
1. Bình chiêm Triệu quốc công – Lê Tấn Trung:
Lê Tấn Trung (có sách chép là Lê Quyết Trung) là võ tướng, nhà doanh điền đời Lê Thánh Tông, trấn thủ châu Lệ Dương, đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Nguyên quán xã Lỗ Hiền, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa, đạo Thừa tuyên Nghệ An. Sau dời vào khai khẩn đất Quảng Nam, lập làng Trường Xuân (Hồng Đức 26 – 1495). Ông được vua Lê Thánh Tông phong là Bình Chiêm Triệu Quốc Công vì đã có công mở cõi vào phương Nam năm 1471. Năm Canh dần 1470 quốc vương Chiêm Thành là Trà Toàn đem quân thủy bộ đánh úp châu Hóa (Thừa Thiên, Quảng Trị ngày nay). Vua Lê Thánh tông liền cáo trong ngoài về việc ngoại xâm. Nhà vua thân chinh đi dẹp giặc, Lê Tấn Trung tháp tùng vua Lê Thánh tông.
  Đoàn quân bình Chiêm do nhà vua thống soái, Lê Tấn Trung được phong chức và tước Bình Chiêm Triệu quốc công, phụ trách hải thuyền. Đạo quân do ông chỉ huy tiến đánh Trà Toàn suốt từ Cổ Lay đến Thị Nại giành được chiến thắng ngay từ đầu. Ngày mùng 5 tháng 2 Âm lịch năm Tân mão (1471) hơn 500 hải thuyền do ông chỉ huy xuất phát từ Vũng Thùng (Đà Nẵng) đến Đại Chiêm, qua Đại áp (An Hòa ngày nay) vượt biển gấp tiến đánh cửa Thị Nại. Đạo hải thuyền của ông hợp cùng chiến thuyền do đích thân Lê Thánh tông dẫn đầu cùng với quân của Nguyễn Đức Trung đánh chiếm Đồ Bàn bắt được 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn.
Chiến thắng, nhà vua cho rút quân về, ông được phong tước Bình Chiêm Triệu quốc công giao cho trấn thủ châu Lệ Dương (nay thuộc các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kì...) đất Quảng Nam.
Tại đây, ông mộ dân khẩn hoang lập ấp, mở mang vùng đất có tên là Quảng Nam vào buổi đầu mở cõi, trở nên một vùng trù phú có nhiều tiềm năng của đất nước.
 Bên cạnh đó ta có thể kể đến Lê Văn Thủ cùng con trai là đô đốc Lê Văn Long theo vua Quang Trung ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược năm 1789.
Lê Văn Thủ và Lê Văn Long đều là hậu duệ của Triệu Quốc công Lê Tấn Trung.
2. Đô đốc Lê Văn Long:
Theo gia phả tộc Lê hiện lưu giữ tại Tổ đình Lê tộc Trường Xuân, TP.Tam Kỳ thì Lê Văn Long sinh năm 1765 tại làng Phú Xuân Trung, huyện Lệ Dương, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam; nay thuộc phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông là con trai Thủ tài hầu Lê Văn Thủ (1746-1827), cháu Triệu quốc công Lê Tấn Trung, dòng dõi nhà Lê. Mẹ ông là bà Trịnh Thị Hoa Dung, con gái của chúa Trịnh Doanh (bà được vua Lê nhận làm con nuôi, nên được người đương thời gọi là Hoa Dung công chúa). Thuở nhỏ, do cha làm quan cho nhà Lê, nên Lê Văn Long được học tập và trưởng thành ở kinh thành Thăng Long. Năm 17 tuổi đã ông đỗ tiến sĩ Võ, nổi tiếng văn võ song toàn. Ông cùng cha đều là võ quan trong triều Lê. Khi Nguyễn Huệ tiến quân phù Lê diệt Trịnh, cha con ông theo về Tây Sơn và được giao giữ chức vụ trọng yếu trong quân ngũ. Khi tiến quân giải phóng Thăng Long, vua Quang Trung giao cho Lê Văn Long đi đường tắt, bất ngờ đánh úp đồn Khương Thượng. Do có công lớn, nên một tháng sau ngày chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung sắc phong cho ông làm Võ tướng Hữu quân.
Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Lê Văn Long vẫn được lưu dung trong quân ngũ của vua Gia Long. Năm 1818, Lê Văn Long được tổng trấn Bắc thành là Lê Chất giao thống lĩnh trấn Sơn Nam Hạ.
Lê Văn Long mất năm 1856. Thi hài của ông được an táng tại huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam. Năm 2010, gia tộc cải táng mộ Lê Văn Long về khu lăng mộ các danh tướng tộc Lê (Lê Tấn Trung, Lê Văn Thủ, Lê Văn Long), tại phường Trường Xuân.
Từ lúc làng Trường Xuân được hình thành đến nay đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất, tên làng cũng có sự thay đổi, nhưng cuối cùng vùng đất Trường Xuân đã trở lại với cái tên thân thương Trường Xuân (nay là phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ), như tên gọi thuở ban đầu từ lúc mới hình thành và tồn tại suốt 5 thế kỷ qua. Ngày nay, người dân làng Trường Xuân vẫn xem ngài Lê Tấn Trung như vị Thủy tổ Tiền hiền có công khai hoang, khẩn hóa, lập ấp, lập làng; vẫn tự hào với tên gọi Trường Xuân như câu đối ở hậu tẩm đình Trường Xuân trước đây: “Trường tồn tôn tử thịnh/ Xuân lai quân dân hưng” (tạm dịch: Cháu con trường tồn thịnh vượng mãi/ Quân dân tiến bước lúc xuân về). Đặc biệt, trên một bia đá chưa rõ ở thời kỳ nào đã tạc lên 5 chữ: “Trường Xuân bất lão thiên” (tạm dịch: Đất Trường Xuân còn mãi với đất trời hoặc Xuân mãi với trời, xuân trẻ mãi)...
Hiện nay, khu lăng mộ của vị Tiền hiền làng Trường Xuân Lê Tấn Trung nằm trên một gò đất cao nhìn ra đồng ruộng và được che phủ bởi những tán cây cổ thụ (thuộc khối phố Xuân Tây, phường Trường Xuân), là điểm giáo dục về lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh, đoàn viên, thanh niên và nhân dân phường Trường Xuân nói riêng và thành phố Tam Kỳ nói chung. Hàng năm, nhân dịp đầu xuân, lãnh đạo tỉnh, thành phố Tam Kỳ, phường Trường Xuân, tộc Lê và bà con nhân dân phường Trường Xuân đều đến viếng hương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp và bảo vệ vùng đất này. Khu lăng mộ đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh và đã được trùng tu, tu sửa rất bề thế. Tại khu lăng mộ này có hai tấm bia do con cháu tộc Lê Trường Xuân dựng trong những lần trùng tu, một tấm bia bên trong khu mộ được dựng năm Ất Hợi 1995 và một tấm bia phía trước dựng năm Bính Thân 1956.
Hai tấm bia trên mộ Tiền hiền Lê Tấn Trung - bia bên trái dựng năm 1956 và bia bên phải dựng năm 1995. Ảnh: A.T
Hai tấm bia trên mộ Tiền hiền Lê Tấn Trung - bia bên trái dựng năm 1956 và bia bên phải dựng năm 1995

Nguồn tin: Nhiều nguồn tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bản đồ hành chính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
.