Những chủ trương, chính sách của Đảng nhằm động viên chính trị, tinh thần của bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ tư - 24/04/2024 23:01
Cách đây tròn 70 năm, trên cánh đồng Mường Thanh giữa núi rừng Tây Bắc, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố; trong đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm động viên chính trị, tinh thần của bộ đội là nhân tố giữ vai trò rất quan trọng; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quy tụ, tập hợp và nhân lên sức mạnh của các lực lượng tham gia chiến dịch, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, để giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
Những chủ trương, chính sách của Đảng nhằm động viên chính trị, tinh thần của bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

 

             Đánh giá đúng tầm quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, vai trò của nhân tố tố chính trị, tinh thần trong chiến tranh; Đảng ta đã đặc biệt coi trọng động viên chính trị, tinh thần bộ đội tham gia chiến dịch. Đảng đã sử dụng tổng hợp nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 để phát huy tối đa tinh thần cách mạng của bộ đội và Nhân dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những chủ trương, chính sách động viên chính trị, tinh thần cho bộ đội thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết, điện văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Quân ủy.

          1. Trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh kết hợp cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức với đẩy mạnh kháng chiến. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Phát động quần chúng giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất, mục đích trước mắt là để cải thiện đời sống cho nông dân và đẩy mạnh kháng chiến”[1]. Chủ trương đẩy mạnh kết hợp “cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức với kháng chiến” của Đảng là một chủ trương có ý nghĩa vô cùng to lớn động viên chính trị, tinh thần bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực chất đây là sự cụ thể hóa chủ trương kết hợp kháng chiến với kiến quốc; kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. “Người cày có ruộng” là khát vọng ngàn đời của nhân dân ta, đặc biệt là nông dân, đó cũng là mục đích, động lực khi nhân dân đi theo Đảng, tin theo cách mạng và tham gia kháng chiến. Do vậy, khi được chia ruộng đất, được giảm tô, giảm tức, đời sống được cải thiện, tinh thần nhân dân phấn khởi, tin tưởng thì nhân dân càng hăng say tham gia kháng chiến. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta động viên, huy động sức người, sức của cho kháng chiến, đặc biệt cho mặt trận Điện Biên Phủ. Bộ đội ta hầu hết xuất thân từ nông dân, là con em của nông dân, họ vô cùng phấn khởi khi chủ trương cải cách ruộng đất được thực hiện và cũng vì lẽ đó tinh thần chiến đấu được tăng cường. Trong cuốn hồi ký “Điện - Biên - Phủ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trong Đông Xuân 1953 - 1954, chính sách phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất đã có một tác dụng lớn lao nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ giai cấp và nâng cao tinh thần tích cực cách mạng của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân ta. Sau cuộc chỉnh quân chính trị về chính sách cải cách ruộng đất, cán bộ chiến sĩ ta, mà tuyệt đại đa số xuất thân là nông dân đã củng cố thêm một bước lập trường giai cấp, nâng cao thêm một bước tinh thần tích cực diệt địch, ai nấy đều hăng hái xông ra mặt trận với một khí thế cách mạng rất cao”[2].  Trong “Đại đoàn Quân tiên phong - Ký sự” cũng ghi lại sự kiện này: “Mỗi tin tức thắng lợi của cuộc phát động quần chúng dội vào cũng đủ làm cho mọi người vui mừng, sung sướng như sau một trận chiến thắng. Chỉ một câu ngắn trong lá thư của người vợ hoặc người cha: Quê ta đã phát động, nhà ta đã sắp được chia ruộng rồi cũng đủ làm cho người chiến sĩ ứa nước mắt ra vì sung sướng và cảm động. Anh càng thấy sâu sắc cuộc đời chiến đấu của mình gắn bó mật thiết với biết bao tình cảm thiêng liêng, đằm thắm! Đất nước, Đảng, đồng đội, đồng bào, bố mẹ, vợ chồng, ruộng đất, quê hương… Lòng uất hận với cảnh huống xưa kia, chí khí hùng cường của cha ông để lại và niềm vui sướng khi thấy rõ tương lai… như hun đúc cho mỗi chiến sỹ chúng ta một nguồn sức mạnh phi thường”[3]. Tại thời điểm đó, Bộ Chính trị cũng đã nhận định: “Sau khi giảm tô, thoái tô, nông dân hăng hái sản xuất, phong trào đổi công, tự động giúp nhau làm ăn, giúp nhau làm nhiệm vụ kháng chiến khá phổ biến. Công tác thuế nông nghiệp, đi dân công, tòng quân, học tập văn hóa… đều được đẩy mạnh”[4]. Thực tế đó chứng tỏ rằng, kết hợp “giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất” với đẩy mạnh kháng chiến là một chủ trương vô cùng sáng tạo của Đảng ta trong việc động viên chính trị, tinh thần nhân dân và quân đội nói chung; nhân dân, bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. Có thể nói, sự kết hợp vô cùng sáng tạo này là cơ sở, cội nguồn sâu xa và là động lực quan trọng nhất, tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần của quân, dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.

             2. Xuất phát từ tầm quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhận thức rõ được vai trò vô cùng quan trọng của nhân tố chính trị, tinh thần trong chiến tranh, Đảng ta đặc biệt coi trọng chỉ đạo kết hợp xây dựng quyết tâm và củng cố quyết tâm chiến đấu cho bộ đội trên mặt trận. Liên tục trong thời gian diễn ra chiến dịch, Tổng Quân ủy đã ra lời hiệu triệu, Bác Hồ và Trung ương Đảng gửi điện văn khích lệ tinh thần binh sỹ. Trong bức thư của Bác có nội dung: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.... Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú”. Đại tá Nguyễn Hữu Tài - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: “Giờ phút thiêng liêng ấy trước khi trận đánh bắt đầu, tất cả các đơn vị dàn quân trên chiến hào đọc thư của Bác sau đó đọc lệnh động viên của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Các đơn vị đều hứa hẹn quyết tâm nhất định hoàn thành nhiệm vụ, nhất định giành chiến thắng. Chính tinh thần ấy làm cho mọi khó khăn, gian khổ tiêu tan hết. Lúc ấy, chúng tôi cảm thấy sức khỏe cũng tăng lên, ý chí vượt lên, mọi người thêm hăng hái, càng thêm quyết tâm và càng muốn hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất”.

Bộ đội đang kéo những khẩu pháo đến vị trí chờ ngày nổ súng

                Đồng thời, quyết tâm của Đảng được công khai cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ để làm cơ sở động viên tinh thần, xây dựng niềm tin, khí thế, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Bộ Chính trị khẳng định: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[5]. Trung ương Đảng chỉ đạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp tại mặt trận phải thường xuyên quán triệt sâu sắc cho mọi cán bộ, chiến sĩ về vai trò, tầm quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ trương này được đưa vào nghị quyết của Bộ Chính trị: “Toàn thể cán bộ và đảng viên ở các đơn vị và cơ quan, ở mặt trận Điện Biên Phủ phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong chiến dịch lịch sử này, đồng thời làm cho toàn thể chiến sĩ thấu triệt quyết tâm của Trung ương. Tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch”[6]Thấu triệt chủ trương của Đảng, công tác chính trị tại mặt trận đã thông qua tuyên truyền, giáo dục, sinh hoạt để khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, dân công, niềm tự hào lớn lao được tham gia chiến dịch, khơi dậy trong họ ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc, với Đảng, với Bác Hồ, giúp cho mỗi người giữ vững ý chí, quyết tâm chiến đấu. 

                Song song với việc xây dựng quyết tâm chiến đấu, Đảng chỉ thị phải kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực làm suy giảm tinh thần quyết tâm chiến đấu của bộ đội ngay tại mặt trận. Thực tế, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện không ít biểu hiện tiêu cực trong tư tưởng của bộ đội do chiến trường hết sức ác liệt, do có những trận đánh khá nhiều thương vong, do thay đổi phương châm tác chiến,... Trong những lúc khó khăn, ác liệt nhất, Đảng đã kịp thời ra những chủ trương chỉ đạo chiến dịch và động viên tinh thần bộ đội. Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”[7]. Có thể coi đây là một “nghị quyết chuyên đề” quan trọng và mẫu mực của Đảng về động viên chính trị, tinh thần bộ đội trong chiến tranh. Nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tư tưởng của bộ đội, Đảng đã vạch rõ hạn chế, tiêu cực trong tư tưởng bộ đội và chỉ đạo cụ thể chủ trương, biện pháp khắc phục. “Cán bộ ta mắc khuyết điểm chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, còn ngại thương vong mỏi mệt, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái còn phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là vì tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng”“Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua”[8]. Trước sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng được tổ chức nghiêm túc tại mặt trận, ở mọi cấp, mọi lực lượng tham gia chiến dịch, tất cả những hoạt động này có ý nghĩa to lớn động viên chính trị - tinh thần bộ đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã viết: “Công tác giáo dục và đấu tranh đó là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, là một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta”[9]. Như vậy, có thể thấy, liên tục xây dựng quyết tâm và củng cố quyết tâm chiến đấu cho bộ đội ngay tại mặt trận là một chủ trương được Đảng ta đặc biệt coi trọng để động viên chính trị, tinh thần của bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ. 

        3. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, để đảm bảo thắng lợi trên mặt trận Điện Biên Phủ, Đảng đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động đồng bộ các chiến trường toàn quốc để hỗ trợ quân sự cho Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị chỉ thị: “Để tranh thủ tiêu diệt và tiêu hao thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa ở các chiến trường và phối hợp chặt chẽ với mặt trận Điện Biên Phủ, các chiến trường trên toàn quốc phải ra sức đẩy mạnh hoạt động một cách liên tục trong một thời gian dài và phải quán triệt phương châm “đánh nhỏ, ăn chắc”[10]. Đây là chủ trương vận dụng sáng tạo truyền thống nghệ thuật quân sự dân tộc, phát huy tối đa lợi thế của chiến tranh nhân dân. Chủ trương đúng đắn này đã đem lại những lợi thế to lớn về mặt quân sự, có ý nghĩa động viên chính trị, tinh thần bộ đội. Sự phối hợp càng sáng tạo, linh hoạt, càng tạo ra khí thế chiến đấu cao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong thời gian này, quân dân cả nước đã gửi nhiều điện văn, thư động viên khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ. Cùng với những thắng lợi trên mặt trận Điện Biên Phủ, trên các chiến trường toàn quốc, quân dân ta cũng giành nhiều thắng lợi to lớn. Những thắng lợi quan trọng này được thông tin kịp thời đến cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ, góp phần củng cố niềm tin chiến thắng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội. Đồng thời, Đảng cũng chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về các chiến thắng của quân ta trên mặt trận Điện Biên Phủ để cổ vũ tinh thần chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ và các chiến trường toàn quốc. Ban Bí thư chỉ thị: “Lấy những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ động viên mọi người phấn khởi thi đua đẩy mạnh công tác,… đồng thời, lấy những chiến thắng ở Điện Biên Phủ khuyến khích binh sĩ và dân công ở các mặt trận phấn khởi thi đua giết giặc, lập công lớn hơn nữa”[11]. Kết hợp đồng bộ các chiến trường toàn quốc chính là tạo thế và lực quân sự đảm bảo cho chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, bảo đảm cho niềm tin chiến thắng, quyết tâm chiến đấu của quân đội có cơ sở. Đảng ta đã khéo léo phát huy lợi thế của chiến tranh nhân dân: kết hợp nhiều lực lượng, chiến trường, phương án, phương pháp đấu tranh, tạo ra thế và lực về quân sự có lợi cho ta, tạo cơ sở thực tiễn để động viên chính trị, tinh thần bộ đội trên mặt trận quan trọng nhất - mặt trận Điện Biên Phủ. 

Phút nghỉ ngơi của các chiến sỹ giữa hai trận đánh

            4. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trọng điểm của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Nhận thức rằng: Đánh thắng trận này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng, Đảng ta đã tăng cường các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo. Trong thời gian diễn ra Chiến dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã liên tục ra các chỉ thị, nghị quyết, điện văn chỉ đạo chiến dịch. Tổng Quân ủy ra lời hiệu triệu cán bộ, đảng viên tại mặt trận. Sự sâu sát trong lãnh đạo của Trung ương Đảng đã có ý nghĩa động viên chính trị, tinh thần to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ. Trong chiến dịch, vai trò lãnh đạo, tiền phong gương mẫu của các tổ chức đảng và của đảng viên được phát huy tối đa. Chủ trương này được Đảng xác định là nòng cốt, là cơ sở để xây dựng, động viên ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội trên chiến trường. Lời hiệu triệu của Tổng Quân ủy viết: “Tổng Quân ủy kêu gọi toàn thể các đồng chí hãy phát huy đến cùng tác dụng lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là chi bộ đại đội, phát huy đến cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm và kiên quyết đến cùng dẫn đầu quần chúng binh sĩ đông đảo của chúng ta trong chiến dịch to lớn và vẻ vang này để giành lấy thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch”[12]. Trong thời gian này, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thực hiện ngày Đảng trong quân đội. Quyết định nêu rõ: “Để có thời gian nhất định tăng cường chất lượng cho đảng viên thực hiện mọi sinh hoạt của Đảng, tuyên tuyền giáo dục về Đảng cho quần chúng ở trong bộ đội, để đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, do đó mà dần dần nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của bộ đội”[13]. Có thể nói, tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, đây là một chủ trương sáng tạo của Đảng nhằm động viên chính trị, tinh thần bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

          Có thể khẳng định rằng, cùng với chiến thuật quân sự tài tình, mưu lược, việc đánh giá đúng vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần, đồng thời có những chủ trương, chính sách sáng tạo để động viên chính trị, tinh thần của bộ đội là thành công lớn của Đảng ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với những chủ trương đúng đắn, sáng tạo đó, có thể nói Đảng ta đã tạo được “hào khí” của toàn dân tộc để giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là những bài học lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay./.

-----------------------
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr12.

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điện - Biên - Phủ”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1976 (in lần thứ 5), tr. 141.

[3]Đại đoàn Quân tiên phong. Ký sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1978, tr. 640.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr5.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 88.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 88. 

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 87.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 88.

[9] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Điện - Biên - Phủ", Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1976 (in lần thứ 5), tr. 123.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 90.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 55.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện quân sự của Đảng 1951 -1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1977, tr. 543.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, Tập 15, tr. 48.

Tác giả bài viết: Thiếu tá Trương Quang Chinh, CTV Phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Ban CHQS TP. Tam Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bản đồ hành chính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
.