Ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam:
- Quy hoạch tỉnh Quảng Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm; thể hiện “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”; là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp tỉnh với quy hoạch vùng và quy hoạch huyện, thành phố, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
- Quy hoạch tỉnh mở ra cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Việc hiện thực Quy hoạch trên thực tiễn sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm những mục tiêu chiến lược, lâu dài, bền vững góp phần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
- Xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư các khu đô thị mới vùng Đông Nam theo quy hoạch. Tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, chiến lược kết nối liên vùng Đông-Tây, tích hợp quy hoạch đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào dọc hành lang tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng trọng yếu của nông thôn và miền núi
- Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được xây dựng xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong phát triển và tổ chức không gian phát triển tỉnh thời gian qua và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Quá trình lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch, đã huy động sự tham gia của các ban, ngành, địa phương; được hoàn thiện trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1882/TB-TTKQH, ngày 22/12/2022 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Kết luận 536-KL/TU, ngày 08/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung cốt lõi của Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Một là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp; tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics, cảng biển, tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc tế, quốc gia đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân nhằm cụ thể hoá việc phát triển bền vững, phát triển xanh, hài hoà giữa phát triển và bảo vệ môi trường theo định hướng của Quy hoạch tỉnh; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.
Hai là, công bố công khai, rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh. Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội. Các nguồn lực được tạo ra từ Quy hoạch như giá trị đất đai, tài nguyên thiên nhiên,… cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội, chia sẻ hài hòa giữa các địa phương và nhà nước, người dân, doanh nghiệp để mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.
Ba là, nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất cho Quảng Nam phát triển là con người và động lực phát triển mạnh mẽ nhất đó là nhân tài. Nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh.
Bốn là, tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh nhà và của dân tộc.
Năm là, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,...
Sáu là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bảy là, tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bảy quan điểm phát triển tỉnh Quảng Nam phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế trên nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị của toàn cầu; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội và giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn cảnh quan, bảo tồn di sản; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, bền bỉ của con người Xứ Quảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
- Mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2030: Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường tốt. Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.